Ngày 16/07/2005, tại Hội Thảo “Chia sẻ kinh nghiệm điều trị rối loạn tiêu hóa” (tổ chức tại Tp. HCM), TS. Nguyễn Thướng, Giảng viên Đại học Y khoa Hàn Quốc, cho biết: Từ trước đến nay trong Y khoa việc sử dụng dòng vi khuẩn lactic để điều trị rối loạn tiêu hóa được sử dụng rộng rãi trong công nghệ bào chế dược phẩm.
Tuy nhiên, các dòng khuẩn này sẽ giảm bớt tác dụng vì chịu ảnh hưởng lớn từ nhiệt độ, dịch vị dạ dày và oxy. Để khắc phục hạn chế đó, Công ty RexGene Biotech (Hàn quốc) đã cho ra đời chế phẩm Lactomin Cap. & Plus (chứa 3 loài vi khuẩn dòng lactic). Đây là chế phẩm thực hiện công nghệ mới: bảo vệ vi khuẩn lactic bằng màng protein nên tăng khả năng điều trị bệnh. Được biết, trong 60 sản phẩm sử dụng điều trị rối loạn tiêu hóa có mặt tại Việt Nam thì Lactomin Cap & Plus là sản phẩm duy nhất được bào chế bằng công nghệ mới sử dụng màng bọc protein.
NG.S. – H.L.
(Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 20-07-2005)
Khái niệm “ Thức ăn là thuốc và Thuốc là thức ăn” được y học cổ truyền ứng dụng trong nhiều chỉ định trị liệu. Với liều lượng này các loại dược liệu dùng làm thuốc trở thành những món ăn dinh dưỡng hằng ngày, hoặc với liều lượng khác hay sự phối hợp cùng nhau thì những dạng dược liệu thường ngày dùng làm thực phẩm – rau ăn có thể trở thành dạng thuốc .
Khái niệm này càng phù hợp hơn với quan điểm điều trị của y học cổ truyền là nhằm “tái lập lại sự quân bình cho cơ thể” (quan niệm: Bệnh là sự mất quân bình…Âm Dương, Khí Huyết…v..v..). Dược liệu thiên nhiên dùng làm thuốc dưới hình thức thức ăn, hay chiết xuất tổng hợp các dược liệu lại thành dạng thuốc hiện đại – tiện dùng, tác dụng điều chỉnh theo cơ chế sinh lý của cơ thể, hoàn toàn không độc hoặt rất ít độc, không gây tác dụng phụ là xu hướng chọn lựa hiện nay của thầy thuốc trong việc dùng thuốc phòng và chữa bệnh nhất là các loại bệnh mạn tính nói chung, trong đó có chứng táo bón.
PV: Xin BS cho biết quan điểm về cách điều trị táo bón: PGS TS Bay: Táo bón là một triệu chứng thường gặp về tiêu hóa, do nhiều nguyên nhân gây ra táo bón chức năng hay táo bón triệu chứng (thứ phát của nhiều loại bệnh), táo bón được xác định khi từ 4 ngày trở lên mới đi đại tiện một lần hoặc một tuần đi ít hơn 2 lần, phân có khối lượng ít – dưới 100g – khô cứng thành từng lọn, đi khó phải ngồi lâu, táo bón có thể có nguồn gốc từ phần trên cao của đại tràng do ứ trệ vì rối loạn vận động của thành đại tràng; nhưng cũng có thể có nguồn gốc từ hậu môn trực tràng, có thể là cấp tính khi xuất hiện đột ngột, hoặc kéo dài nhiều tháng nhiều năm gọi là mạn tính.
Để điều trị trước hết là cần xác định nguyên nhân, cần phân biệt táo bón cấp tính hay mạn tính để có thái độ xử trí đúng.
Nguyên tắc điều trị nội khoa trong táo bón:
– Trước tiên là không dùng thuốc như tăng cường chất xơ trong bữa ăn, uống nhiều nước, tập thể dụng, tập đi tiêu đúng giờ …
– Nếu nguyên tắc trên thất bại mới chọn lựa thuốc tác động lên nhiều yếu tố như: Thuốc làm thay đổi tính chất của phân hoặc làm tăng khối lượng của phân (chất xơ – chất nhày), hoặc làm thay đổi độ khô đặc (chất xơ hút nước làm mềm phân hay dầu thực vật); thuốc nhuận tràng tác động kích thích lên nhu động ruột, tác động lên nước và chất điện giải, và thuốc tẩy xổ …..
Một thành phần quan trọng từ chế độ ăn (không dùng thuốc), đến các loại thuốc nhuận tràng làm mềm phân làm tăng khối lượng và thay đổi tính chất của phân là chất xơ.
PV: Như vậy, chất xơ đóng vai trò quan trọng trong phòng và chống táo bón? PGS TS Bay: Chất xơ là các polysaccharides không tiêu hóa được khi ăn, bao gồm các chất như cellulose, pectin, lignin… có trong các loại thức ăn như rau, củ, hạt, quả. Tuỳ theo độ phân tán trong nước mà chất xơ được chia thành 2 loại tan và không tan, tất cả các loại thức ăn thực vật đều có cả 2 loại chất xơ này. Nguồn chất xơ chủ yếu cho con người là trái cây, rau, rễ củ, đậu, ngũ cốc còn vỏ, cám gạo. Chất nhày (là loại chất xơ tan được) có trong mồng tơi, rau đay, mướp, xương sâm, xương sáo, rau câu, lô hội…..
Chất xơ không hoà tan, chủ yếu là cellulose, có tác động chống táo bón nhờ khả năng hút giữ nước làm phân mềm, và trương lên tăng khối lượng phân làm kích thích nhu động ruột tạo điều kiện cho chất bã dễ thoát ra ngoài . Khi chất xơ chống táo bón có hiệu quả cũng là cách tốt nhất để ngăn ngừa ung thư ruột kết, ung thư đại tràng, giảm nguy cơ trĩ, chống béo phì và bệnh tiểu đường.
Chất xơ hoà tan (gồm pectin cùng với chất nhày), khi đi qua ruột sẽ tạo ra thể đông làm chậm quá trình hấp thu một số chất vào máu (đây cũng là cơ chế làm giảm cholesterol trong máu của chất xơ), và cũng làm tăng độ xốp – mềm của phân.
Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng làm giảm đường trong máu sau khi ăn nhờ tính nhày và thể tích phân tử lớn, làm men tiêu hoá khó tiếp xúc trực tiếp với các thành phần khác trong thức ăn và những thức ăn tạo đường không được tiêu hóa cũng khó hấp thu làm giảm đường trong máu.
Cũng như cơ chế trên, chất xơ có tác dụng giảm cân nhờ giảm hấp thu chất béo, tạo cảm giác no lâu giúp ít thèm ăn, ức chế men tiêu hóa làm giảm tốc độ tiêu hóa thức ăn.
Hơn thế nữa chất xơ hoà tan dễ dàng lên men trong ruột tạo một môi trường có khả năng ức chế quá trình oxy hoá và giúp nuôi dưỡng hệ vi khuẩn có ích sống tại ruột làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, góp phần dinh dưỡng cho niêm mạc ruột và chống lão hóa tế bào.
(Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra thứ tư ngày 30/11/2005)
Tết đến, đi đâu cũng gặp tiệc. Làm thế nào để phòng tránh các triệu chứng khó chịu về Rối Loạn Tiêu Hóa? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi sau đây với Ts Bs Lê Thành Lý – Trưởng khoa Nội Tiêu Hóa, BV Chợ Rẫy và được ông cho biết:
✔ Rối loạn tiêu hóa (RLTH) thường thể hiện bởi nhiều triệu chứng: Chậm tiêu, cảm giác ăn mau no, đầy hơi, chướng bụng hoặc có rối loạn về đại tiện (táo bón xen lẫn đi tiêu phân sệt, lõng không có máu, hoặc tiêu phân sống, lợn cợn thức ăn). Ở đây chúng ta chỉ nói đến chứng RLTH không phải do tổn thương thật sự các cơ quan có chức năng tiêu hóa. Nguyên nhân chính của các triệu chứng do việc sử dụng thực phẩm, hoặc vì trạng thái lo âu, do tác dụng phụ của một số loại đông dược, tây dược. Nếu các triệu chứng của RLTH cơ năng kéo dài, không được điều trị thích hợp có thể làm người bệnh lo lắng, sức khỏe giảm sút.
* Xin BS cho biết nên ăn uống thế nào để có thể tránh được các sự cố RLTH?
Bác sĩ Lê Thành Lý: Để tránh các sự cố RLTH, cần tránh trạng thái lo âu quá mức; hạn chế việc dùng các thức ăn quá béo, nhiều gia vị, ăn quá no không điều độ, không đúng giờ; hạn chế các thức uống chứa độ cồn cao như rượu nặng hoặc uống quá nhiều các loại bia, rượu khai vị, các loại nước ngọt, nước có gas, cà phê, thuốc lá…
Bia, rượu bị phân hủy thành các acetaldehyde (chất rất độc) tại hệ tiêu hóa dẫn đến rối loạn tiêu hóa và nhiều biến chứng nguy hiểm khác
* Nếu bị RLTH cần phải làm gì?
Bác sĩ Lê Thành Lý: Khi có vấn đề về sức khỏe, tốt nhất là nên đến các bệnh viện để được các thầy thuốc thăm khám và phát hiện bệnh sớm để có hướng xử lý đúng. Ngoài ra trong tủ thuốc gia đình nên có một số thuốc thông thường có thể sử dụng để chữa trị các chứng RLTH như: Đầy bụng, chướng bụng có thể sử dụng Simethicone, mỗi lần nhai hay ngậm 1 đến 2 viên, ngày không quá 12 viên; có thể phối hợp với Domperidon 10 mg, uống 1 đến 3 viên/ngày ngay trước bữa ăn.
Tiêu chảy không có sốt thì uống bù nước oresol sau mỗi lần tiêu chảy để tránh mất nước và uống vi khuẩn lactic để lấy lại cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, ngày uống 2 đến 3 lần, mỗi lần 1 gói hay viên. Nếu muốn cầm tiêu chảy nhanh thì uống 2 viên loperamid, hết tiêu chảy thì ngưng bởi không nên lạm dụng thuốc này.
Trẻ em bị táo bón thì cũng uống các vi khuẩn lactic như trên, ngày từ 1 đến 6 gói tùy theo đáp ứng. Người lớn bị táo bón thì nên sử dụng chất xơ thiên nhiên. Các thuốc trên đa số là có nguồn gốc thiên nhiên nên nhìn chung là an toàn; có thể dùng được cho trẻ em, ngoại trừ loperamid.
Với thời tiết nắng nóng oi bức như hiện nay, trẻ em rất dễ mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa mà rối loạn tiêu hóa (RLTH) là một điển hình. Đây là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ trong độ tuổi hiếu động và thích ăn uống tùy tiện.
Khi trẻ thường xuyên bị tiêu chảy, táo bón sẽ ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, hấp thu và lâu ngày sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng dẫn đến suy dinh dưỡng. Vậy làm gì để có thể phòng ngừa RLTH ở trẻ.
Nắng nóng, thức ăn ôi thiu, trẻ RLTH
Hơn tuần nay, cu Bin, 3 tuổi con chị Loan (Quận 8, TPHCM) bổng dưng bị nôn trớ sau khi ăn xong, bên cạnh đó, cu Bin cũng bị tiêu chảy. Ban đầu chị Loan nghĩ do con đang tập ăn rau nên bị ảnh hưởng, thế nhưng khi tình trạng kéo dài gần 1 tuần thì chị hốt hoảng đưa con đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân.
Thời điểm này, trẻ rất dễ mắc những bệnh về RLTH. Bệnh thường xảy ra khi bé dùng phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Thêm vào đó, trong điều kiện nhiệt độ cao, thức ăn sẽ dễ bị lên men, nhiễm khuẩn, ôi thiu và trẻ nhỏ vô tình ăn phải thức ăn này. Theo bác sĩ CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, RLTH là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Các biểu hiện thường gặp là trẻ đầy bụng, khó tiêu, nôn ói, đi cầu phân sống, tiêu chảy, táo bón. Nguyên nhân chính của RLTH ở trẻ nhỏ là do chế độ ăn không phù hợp, mất cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột.
Đáng báo động là có trẻ cứ tái đi tái lại gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Như trường hợp bé Hương con chị Hằng (quận Tân Bình, TPHCM) ăn uống đều đặn, không bỏ bữa nhưng lại thường bị nôn trớ, tiêu chảy dẫn đến bụng yếu. Chị Hằng đã cho con đi khám và lấy thuốc nhiều lần nhưng khi hết thuốc thì bé Hương vẫn “chứng nào tật đó”. Nhất là những ngày thời tiết oi bức, bé Hương lại càng dễ bị tiêu chảy mặc dù đã được chăm sóc rất chu đáo.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết nếu RLTH xảy ra càng thường xuyên, ở trẻ càng nhỏ tuổi thì càng dễ ảnh hưởng quá trình tăng trưởng thể chất và trí tuệ của trẻ do quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng bị hạn chế. Những phụ huynh có con bị RLTH thường rơi vào tình trạng căng thẳng tinh thần.
Tăng cường đề kháng cho trẻ
Nguyên nhân gây RLTH thì có rất nhiều, nhưng đối với trẻ em thì những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do trẻ chưa ý thức được vấn đề vệ sinh cơ thể, vệ sinh ăn uống, nề nếp sinh hoạt và sự lây nhiễm qua tiếp xúc. Bên cạnh đó trẻ cũng thường RLTH sau các đợt uống kháng sinh, ăn thực phẩm công nghiệp có chứa chất bảo quản hoặc khi đi du lịch dịp hè. Đặc biệt là đối với học sinh thì những RLTH thường gặp là táo bón và tiêu chảy.
Chính vì vậy cần phòng tránh RLTH bằng cách đơn giản đầu tiên thông qua thói quen sinh hoạt như: Ăn uống hợp vệ sinh, chọn thực phẩm phù hợp, dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ, cân đối giữa chất đạm, bột, chất xơ. Chú ý trong việc bảo quản đồ ăn, hạn chế lưu trữ đồ ăn từ ngày này sang ngày khác. Tập thể dục đều đặn.
Ăn uống hợp vệ sinh và điều độ giúp giảm thiểu rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Ngoài ra có thể bổ sung men vi sinh giúp “bụng khỏe” tạo cân bằng hệ vi sinh đường ruột, là hàng rào các “vệ binh” chống vi khuẩn gây bệnh (ngừa tiêu chảy), tiết enzyme (giúp tiêu hóa, hấp thu tốt), tiết axit lactic (khi táo bón) phòng chống táo bón. Lưu ý khi chọn men vi sinh là loại khi đi vào đường ruột cần đảm bảo: Bao vi nang để không chết ở dạ dày; kết hợp 3 nhóm men vi sinh có lợi. Khi trẻ gặp RLTH nên tìm giải pháp chữa trị, tránh để lâu gây tác hại lớn. Bởi với những trẻ thường xuyên có biểu hiện bất thường tại đường tiêu hóa, chắc chắn khả năng cung cấp đủ các chất cho cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó sẽ dẫn tới ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Hệ tiêu hóa là một phần rất quan trọng trong cơ thể trẻ mà bạn không thể bỏ qua. Hệ tiêu hóa làm việc ngày đêm để giữ cho cơ thể bạn họat động trong điều kiện tốt nhất. Hãy nhớ, một cuộc sống khỏe mạnh bắt nguồn từ một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Mai Hương (Nguồn: http://eva.vn/benh-con/nhung-dieu-can-biet-ve-roi-loan-tieu-hoa-cua-tre-c133a140165.html)
Khi bị táo bón, một số người có thói quen dùng thuốc ngay mà chưa điều chỉnh chế độ ăn hay thói quen sinh hoạt hằng ngày. Điều này cần được thay đổi ngay, vì táo bón có thể điều trị dễ dàng chỉ bằng cách ăn nhiều chất xơ và tập vận động hằng ngày.
Nhiều người khi bị táo bón chọn cách áp dụng các bài thuốc dân gian như dùng lá lô hội, thảo quyết minh… Trong các loại thực vật này có chứa chất nhuận tràng kích thích là anthraquinon, có tác dụng nhuận tràng. Tuy nhiên, khi sử dụng quá nhiều thể gây tiêu chảy, đau bụng, mất nước của cơ thể.
Một trong các thuốc nhuận tràng thường được bệnh nhân tự mua về uống là bisacodyl do thuốc có tác dụng nhanh và dễ mua. Nhưng chúng ta cần lưu ý rằng, bisacodyl là một thuốc thuộc nhóm thuốc nhuận tràng kích thích mạnh, không nên tự sử dụng và nhất là không nên dùng lâu hay lạm dụng. Đặc biệt bisacodyl có thể gây ra sự lệ thuộc (tức là nếu không dùng thuốc thì không thể đi đại tiện được và bị táo bón mãn tính), gây liệt ruột và táo bón ngược lại khi ngưng thuốc (vì thuốc có tác dụng kích thích tạo ra nhu động ruột nên khi dùng lâu, ruột sẽ mất chức năng đẩy và tống phân ra ngoài).
Việc ăn yaourt hay dùng men vi sinh hằng ngày rất có ích cho hệ tiêu hóa, có thể giúp phòng ngừa và điều trị các rối loạn tiêu hóa trong đó có táo bón. Men vi sinh đặc biệt là các vi khuẩn lactic do có khả năng sinh acid lactic nên có thể tăng kéo nước vào lòng ruột, kích thích nhu động ruột, làm tăng chức năng đẩy tống phân của ruột và hỗ trợ điều trị táo bón rất hiệu quả. Chúng ta cũng cần lưu ý là dùng men vi sinh sẽ hiệu quả hơn vì men trong yaourt không sống lâu trong ruột để tạo ra lợi ích lâu dài trong phòng ngừa và hỗ trợ trị táo bón như dùng chế phẩm men vi sinh.
1. Táo bón là gì?
Táo bón xảy ra khi số lần đi tiêu ít, trên 4 ngày không đi tiêu hoặc đi tiêu dưới 3 lần/tuần, phân khô cứng, khó đi tiêu (phải gắng sức rặn), hay là cảm giác còn phân trong ruột sau khi đã đi tiêu.
2. Nguyên tắc trị táo bón và các thuốc trị táo bón thông dụng
Nguyên tắc điều trị táo bón là phải đi từ gốc của căn bệnh tức là tìm hiểu các nguyên nhân có thể gây ra táo bón (do lối sống, do thuốc hay do bệnh lý) và điều trị các nguyên nhân đó.
Nếu táo bón do dùng thuốc thì ngưng thuốc; nếu không thể ngưng được thì điều chỉnh liều hoặc chia nhỏ liều ra.
Nếu táo bón do bệnh lý thì phải đến bác sĩ khám và có hướng điều trị thích hợp.
Còn nếu do lối sống thì phải điều chỉnh từ lối sống và chế độ ăn uống như:
Tăng cường chất xơ trong bữa ăn, uống đủ nước, ăn thức ăn nhiều axit hữu cơ (sữa chua, me, dứa, cam, chanh), tập luyện thể dục, tập đi tiêu đúng giờ… Các biện pháp này tuy đơn giản nhưng hiệu quả và an toàn cho chúng ta nhất, đồng thời cũng giúp tăng cường sức khỏe cho cơ thể có thể chống lại các bệnh khác nữa.
Tuy nhiên, nếu sau một thời gian mà vẫn không cải thiện được tình trạng táo bón, thì lúc này phải tính tới việc dùng thuốc và nên dùng thuốc theo trình tự sau: Đầu tiên là thuốc nhuận tràng tạo khối, nó có tính chất tương tự như các chất xơ thiên nhiên nên an toàn cho cơ thể (Psyllium, methylcellulose, polycarbophil, sterculia). Tiếp đó là thuốc nhuận tràng làm mềm, thường ở dạng muối docusat (Docusat natri, docusat canxi, docusat kali). Ngoài ra có thể dùng glycerin đặt hậu môn, lactulose, macrogol 4000, glycerin, sorbitol (thuộc nhóm nhuận tràng thẩm thấu). Nếu không hiệu quả có thể dùng đến nhóm nhuận tràng làm trơn (parafin) hoặc nhuận tràng kích thích (anthraquinon, diphenylmethan, bisacodyl, phenolphtalein, dầu castor).
3. Viên nang mềm chứa Docusat natri điều trị táo bón
3.1. Điều trị táo bón an toàn, ít gây tác dụng phụ
Natri docusat thuộc nhóm thuốc nhuận tràng làm mềm phân, là nhóm thuốc được chỉ định hàng thứ 2 sau nhuận tràng tạo khối do nó khá an toàn, hiệu quả và ít tác dụng phụ đối với người sử dụng.
Natri docussat chủ yếu làm tăng tính thấm của dịch vào trong phân, làm mềm phân, giúp đại tiện dễ dàng. Ngoài ra còn có tác dụng kích thích làm tăng bài tiết nước và điện giải trong đại tràng. Vì vậy, docusat natri tác động theo cả hai cơ chế, vừa như là chất làm mềm phân (tác dụng chủ yếu), vừa là chất kích thích.
3.2. Công nghệ viên nang mềm giúp hấp thu nhanh và hoàn toàn
Viên nang mềm giúp hấp thu nhanh và hoàn toàn. Ngoài ra viên nang mềm còn giúp che giấu được mùi vị khó chịu, làm cho thuốc dễ uống.
Trẻ biếng ăn, chậm lớn thường khiến cha mẹ khổ tâm và lo lắng mỗi ngày. Họ tìm đủ mọi cách để mong cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho con như chế biến những món ăn lạ miệng, nhồi nhét con ăn, mặc cho con giãy giụa, la hét. Tuy nhiên, cha mẹ không biết, đó là một cách sai lầm! Cùng tìm hiểu những nguyên nhân và tham khảo giải pháp phù hợp để giúp bé ăn ngon miệng hơn mỗi ngày nhé!
Trẻ biếng ăn do đâu?
–Tâm lý “sợ ăn”: Vì tâm lý này, trẻ hay che miệng khi thấy thức ăn hoặc ngậm miệng lại. Trẻ thường xuyên ngậm thức ăn, không nuốt và khóc nếu bị mẹ ép. Với trẻ lớn hơn trẻ sẽ trốn mẹ vào giờ ăn hoặc ăn rất ít, tỏ ra khó chịu khi ăn.
–Mẹ chế biến thức ăn đơn giản: Vì bận rộn, chạy đôn chạy đáo với việc kiếm tiền, mẹ chế biến cho trẻ những món ăn với những màu sắc, mùi vị đơn điệu, kém hấp dẫn. ĐIều này làm bé không có hứng thú khi ăn, dẫn đến chứng biếng ăn.
– Dấu hiệu sinh lý: tình trạng mọc răng, biết lật, biết ngồi, biết đứng, biết đi,… sẽ khiến trẻ biếng ăn.
– Sử dụng những loại thuốc kháng sinh gây loạn khuẩn đường ruột, giảm quá trình lên men thức ăn dẫn đến trạng thái biếng ăn.
Mẹ nên làm gì?
Hiểu được nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn giúp bé có những sự thay đổi thích hợp để khắc phục từ đó, bé sẽ luôn ăn ngon miệng, không bỏ bữa, lớn nhanh như “con nhà người ta”.
Khuyến khích bé vận động, tiêu hao năng lượng, ăn ngon miệng hơn và cải thiện sức khỏe.
Hạn chế cho bé ăn vặt, nếu có thì nên lựa chọn những đồ ăn vặt có giá trị dinh dưỡng: Sữa chua, trái cây …
Trang trí món ăn nhiều màu sắc, hấp dẫn sẽ kích thích bé yêu ăn ngon miệng.
Thay đổi khẩu phần ăn cho bé bằng những thực đơn đa dạng và cân bằng dưỡng chất.
Hãy để bé tự ăn nếu có thể.
Ngoài ra, bạn nên dùngnhững chủng men vi sinh sống lâu trong ruột để khắc phục chứng biếng ăn ở trẻ bởi men vi sinh có tác dụng cải thiện sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, hấp thu tốt chất dinh dưỡng từ thức ăn, tiết ra axit lactic và kích thích nhu động ruột nên tăng sự thèm ăn ở trẻ.
Men vi sinh – Những lợi ích bất ngờ khác:
Sản xuất một số vitamin nhóm B giúp tiêu hóa thức ăn
Tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng
Giảm nguy cơ ung thư
Giảm Cholesterol
Phòng ngừa táo bón
Cơ thể chúng ta không thể tự sản sinh ra men vi sinh mà cần phải bổ sung từ các thực phẩm hằng ngày thông qua con đường ăn uống. Sử dụng men vi sinh thường xuyên sẽ giúp hệ tiêu hóa của bé trở nên khỏe mạnh và dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng hơn.
(Tổng hợp từ “Health and Nutrition Properties of Probiotics in Food including Powder milk with Live Lactic acid bacteria” – WHO and FAO – Córdoba, Argentina, 1-4 October 2001)
Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột: Trong ống tiêu hóa có khoảng trên 400 loài vi khuẩn, với hàng ngàn tỷ con, tạo nên trận chiến cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại. Vi khuẩn có lợi bảo vệ ống tiêu hóa, chống lại các vi khuẩn gây bệnh bằng cách tạo thành rào cản ngăn chặn sự xâm nhập của chúng, chiếm chỗ (colonization) trên thành ruột.
Khi uống nhiều bia rượu, kháng sinh, đồ hộp có chất bảo quản sẽ làm cho hệ vi sinh có ích bị tiêu diệt, phá vỡ trạng thái cân bằng của hệ vi khuẩn trong ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây tiêu chảy bùng phát sau đó.
Tiêu chảy do rượu bia có thể được phòng ngừa bằng Men vi sinh
Tiệc tùng: Với các sơn hào hải vị chứa nhiều dầu mỡ làm chậm sự tiêu hóa … tạo thuận lợi cho các vi khuẩn gây tiêu chảy phát triển khi quân số vi khuẩn có lợi không đủ chống cự.
Uống sữa: Những người Châu Á thường kém dung nạp lactose trong sữa do thiếu men lactase, gây tiêu chảy.
Do rối loạn nhu động ruột: Chất cồn trong rượu, bia có thể làm rối loạn hoạt động của hệ thần kinh ở ruột, gây rối loạn vận động ruột, rối loạn hấp thu nước của ruột gây nên tiêu chảy.
Hội chứng ruột kích thích (IBS – Irritable Bowel Syndrome).
Men Vi Sinh giúp phòng ngừa tiêu chảy do ăn uống – rượu bia
Bổ sung men vi sinh (vi khuẩn có ích) trước và sau khi uống rượu bia, tiệc tùng để ngăn ngừa rối loạn hệ vi khuẩn có ích trong ruột.
Khi uống kháng sinh, nên dùng kèm men vi sinh (cách xa lúc uống kháng sinh 2 giờ).
Ở những người tiêu chảy khi uống sữa thì nên chia nhỏ lượng sữa thành nhiều lần, uống kèm với thức ăn khác, uống bổ sung men lactase hoặc dùng men vi sinh, vì men vi sinh không những giúp đường ruột khỏe mạnh mà còn tiết ra men lactase.
Đối với người bị hội chứng IBS: Phải do bác sĩ theo dõi điều trị. Nhiều nghiên cứu cho thấy dùng men vi sinh có thể hỗ trợ giảm các triệu chứng của IBS.
Khi đã bị tiêu chảy cần: Chia nhỏ bữa ăn để giảm tỷ lệ đau bụng do co thắt ruột; Bù nước, chất điện giải; Bổ sung men vi sinh để lập lại cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.
Cần hiểu đúng về Men Vi Sinh
Không phải men vi sinh nào cũng đặc hiệu trong phòng chống tiêu chảy. Mỗi men vi sinh có tác dụng đặc hiệu riêng như:
Men vi sinh dùng trong tiêu chảy: Chủ yếu là nhóm Probiotics (Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus rhamnosus, Bifidobacterium), nhóm sinh bào tử (Bacillus).
Men vi sinh tăng sức đề kháng: Lactobacillus plantarum (men kim chi).
Khác biệt giữa Probiotics, men yaourt và nhóm sinh bào tử
Chứng chỉ An toàn sử dụng GRAS do FDA-Mỹ cấp: Nhóm Probiotics, men yaourt (Lactobacillus bulgaricus) đã được cấp chứng chỉ này nên có thể dùng rộng rãi. Nhóm sinh bào tử (Bacillus) chưa có chứng chỉ này nên chưa dùng tự do trong sữa trẻ em.
Nhóm Probiotics sống lâu trong ruột trong khi men yaourt, nhóm sinh bào tử chỉ sống trong ruột một thời gian ngắn (không tạo được hệ cân bằng vi khuẩn có ích).
Nhóm sinh bào tử thường có trong đất nên có ưu điểm rất dễ bảo quản. Trong khi nhóm Probiotics (vốn sống trong cơ thể) nên rất dễ hỏng trong không khí, phải bảo vệ bằng các công nghệ hiện đại (bao vi nang, đóng gói trong Nitơ, hoạt độ nước Aw ≤ 0,2%).
Men vi sinh khác với men tiêu hóa (enzyme tiêu hóa):
Men vi sinh là vi sinh vật sống, có thể dùng lâu dài. Các enzyme tiêu hóa nguồn gốc động vật (pancreatin, mật bò…) là hợp chất sinh hóa, chỉ dùng trong thời gian ngắn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tiến sĩ Bác sĩ Lê Thành Lý – Trưởng khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện Chợ Rẫy
Con cái là tài sản vô giá của cha mẹ, và niềm hạnh phúc lớn nhất của cha mẹ là khi nhìn thấy con vui vẻ, khỏe mạnh, ăn ngon chóng lớn. Vì vậy rối loạn tiêu hóa bao gồm cả tiêu chảy, táo bón, nôn ói, chậm lớn luôn là nỗi lo lắng, bất an của cha mẹ.
Do kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn những vi khuẩn có lợi ở đường ruột gây rối loạn tiêu hóa.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Do tâm lý lo lắng, căng thẳng, bồn chồn.
Môi trường, thói quen sống thiếu vệ sinh.
Hậu quả của Rối loạn tiêu hóa – Nỗi lo của Cha Mẹ
Hậu quả của rối loạn tiêu hóa là tạo nên một cái vòng luẩn quẩn về suy dinh dưỡng – bệnh tật, từ đó ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ:
Rối loạn tiêu hóa → Kém hấp thu, suy dinh dưỡng → Giảm sức đề kháng → Bệnh tật → Kém hấp thu và suy dinh dưỡng nặng hơn → Chậm lớn, học kém hơn, chỉ số trí tuệ MDI cũng thấp hơn, chậm chạp, tự kỷ…
Chế độ dinh dưỡng: Đầy đủ và cân đối theo đúng tháp dinh dưỡng, theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe…
Đời sống tinh thần: Quan tâm đến trẻ, giúp trẻ luôn vui vẻ, thoải mái.
Cho trẻ ăn nhiều rau, trái cây, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng.
Lợi ích của men vi sinh trong việc phòng chống rối loạn tiêu hóa
1. Ngừa tiêu chảy
Khi trẻ bị bệnh, phải dùng kháng sinh, thì nên dùng kèm với men vi sinh để bổ sung vi khuẩn ruột có ích (dùng cách kháng sinh 2 giờ); ngừa tác dụng phụ gây tiêu chảy vì loạn khuẩn ruột của kháng sinh.
Bổ sung men vi sinh thường xuyên để bảo vệ ruột khỏi sự tấn công của vi khuẩn gây tiêu chảy, do men vi sinh sẽ chiếm chỗ trong ruột, làm tăng chức năng ngăn chặn của màng nhày ruột, tiết ra các chất kháng khuẩn, giữ cân bằng cho hệ vi khuẩn đường ruột.
Khi bị tiêu chảy thì phải bù đủ nước và chất điện giải, bổ sung men vi sinh để lập lại cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Không nên uống ngay các thuốc cầm, mà nên để ruột tống khứ hết độc tố ra ngoài. Nếu tiêu chảy kéo dài trên 3 ngày, sốt cao/kèm dấu hiệu mất nước nặng…cần đến gặp bác sĩ để được điều trị thích hợp.
2. Ngừa và giảm táo bón
Bổ sung men vi sinh không những giúp trẻ giảm tiêu chảy mà còn ngăn ngừa táo bón. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đó chính là sự huyền nhiệm của tự nhiên. Men vi sinh kích thích nhu động ruột, tiết ra axit lactic, hút nước vào ruột, giảm táo bón. Điều này chỉ xảy ra khi táo bón, pH ruột kiềm, men vi sinh tiết ra axit lactic để cân bằng pH ruột. Khi tiêu chảy, pH ruột axit, men vi sinh không tiết axit lactic.
Khi trẻ bị táo bón, ngoài men vi sinh (Probiotics), nên bổ sung thêm chất xơ hòa tan như FOS (Prebiotics). FOS là thức ăn phù hợp nhất cho men vi sinh, giúp men vi sinh phát triển nhanh. FOS còn hút nước, làm mềm phân, giảm táo bón. Ngoài ra cho trẻ uống đủ nước, tập đi tiêu đúng giờ.
Men vi sinh – FOS được ví như cặp “thanh mai trúc mã” giúp trẻ tăng sức đề kháng, tăng hấp thu các khoáng chất (trong đó có nhiều khoáng chất giúp tăng trưởng), giúp tiêu hóa hấp thu tốt do men vi sinh tiết ra nhiều men tiêu hóa.
Việc tiêu hóa nhanh, tốt sẽ làm thức ăn không bị lên men, làm cho trẻ không bị đầy hơi, ói ọc.
Tin tổng hợp từ các báo cáo khoa học tại Hội Thảo “Các nghiên cứu mới về men vi sinh” tổ chức tại Khách sạn Legend – TP.HCM – Tháng 8/2013.
Men vi sinh (Probiotics) đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là hỗ trợ điều trị các rối loạn tiêu hóa như: Tiêu chảy, táo bón, kém hấp thu….Tuy nhiên, men vi sinh rất dễ hư hỏng, dễ mất tác dụng. Do đó, bài viết này cung cấp các thông tin khoa học mới, giúp người tiêu dùng hiểu, lựa chọn và sử dụng men vi sinh hiệu quả.
Hiểu đúng về Men vi sinh
Định nghĩa theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Men vi sinh (Probiotics) là các vi sinh vật “sống”, đem lại các “hiệu quả mong muốn”.
Sở dĩ WHO nhấn mạnh “men vi sinh sống ” vì trước đây, ngành dược vẫn dùng xác của men vi sinh, được giết nhanh bằng phương pháp tyndallized, để phòng chống tiêu chảy, nhờ cơ chế bám chắc trên thành ruột, nhưng không tạo được những lợi ích lâu dài cho sức khỏe như men vi sinh đang sống trong ruột.
Tương tự như vậy, men yaourt (L. bulgaricus) và các chủng Bacillus cũng chỉ sống trong ruột một thời gian rất ngắn, vì ruột không phải là “quê hương” của chúng (Bacillus chủ yếu sống trong đất).
Các chủng men vi sinh thông dụng
Chủng Lactobacillus, Bifidobacterium: Là các chủng men vi sinh có nhiều nghiên cứu khoa học nhất, đa số sống lâu trong cơ thể người, được FDA-Mỹ cấp tiêu chuẩn An toàn (GRAS), nên được sử dụng rộng rãi.
Chủng Bacillus: Ít được sử dụng rộng rãi, chưa được FDA cấp tiêu chuẩn GRAS và thường chỉ sống trong ruột người trong thời gian rất ngắn.
Men vi sinh ngày càng được dùng rộng rãi trên thế giới
Theo Pubmed, trong 10 năm từ 1991 đến 2001, số công trình nghiên cứu về men vi sinh tăng gần 200 lần.
Doanh số men vi sinh trên thế giới lên đến 2 tỷ USD trong mỗi năm.
Các Men vi sinh rất dễ hỏng
Theo Ts. Ngọc Lan, Bộ môn vi sinh, ĐH Y Dược TP. HCM, có 4 yếu tố làm men vi sinh hư hỏng: Nhiệt độ, Oxy, Dịch tiêu hóa, Độ ẩm. Trong đó, Độ ẩm bao gồm lượng nước không hoạt động (không ảnh hưởng đến men vi sinh) và nước hoạt động (gây ảnh hưởng trực tiếp đến men vi sinh).
Các công nghệ hiện đại để giúp Men vi sinh bền vững
Men vi sinh là món quà thiên nhiên ban tặng cho sức khỏe con người, nhưng rất dễ chết trong quá trình bảo quản và đi qua dạ dày. Sản xuất men vi sinh đòi hỏi nhiều trang thiết bị và công nghệ phức tạp:
Bao vi nang (microencapsulated) giúp men vi sinh ít chết trong dịch tiêu hóa: TS. Ngọc Lan, ĐHYD và Ths. Nguyễn Thị Vĩnh Hồng, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương có trình bày các nghiên cứu thực nghiệm chứng minh men vi sinh được bao vi nang có tỷ lệ sống cao hơn khi đi qua dạ dày so với men không bao vi nang.
Ngoài ra, Ths. Lệ Minh, Công ty Liên doanh Dược phẩm Mebiphar-Austrapharm đã giới thiệu thêm về hai công nghệ mới để bảo vệ men vi sinh:
Đóng gói trong Nitơ.
Duy trì hoạt độ nước (Aw) thấp ≤ 0, 2%: Đây là yếu tố then chốt để giúp men vi sinh bền vững.
Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo khoa học “Các nghiên cứu mới về men vi sinh” (2013)
Các xu thế mới trong sử dụng Men vi sinh
Phải xác định chính xác tên men vi sinh: Các nghiên cứu của Viện Kiểm nghiệm cho thấy một số sản phẩm men vi sinh ghi là chứa Lactobacillus acidophilus, nhưng khi kiểm nghiệm thì chứa tới 15- 45% những chủng Lactobacillus khác.
Sử dụng Men vi sinh có Nghiên cứu lâm sàng.
Kết hợp nhiều loại men vi sinh.
Phối hợp cặp đôi “thanh mai trúc mã” Men vi sinh (Probiotics) và FOS (Prebiotics): Chất xơ hòa tan FOS vừa đem lại nhiều lợi ích cho đường tiêu hóa, vừa được xem là “thức ăn” tốt nhất cho men vi sinh phát triển.